Nhà Trưng bày Hoàng Sa: “Địa chỉ đỏ” giáo dục tình yêu biển đảo, quê hương

VHO- Từng bước phát huy giá trị lịch sử, hoàn thiện thành điểm tham quan phục vụ du khách, đồng thời gắn với việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, trong những năm qua, công tác chỉnh lý, bổ sung hiện vật tại Nhà Trưng bày Hoàng Sa (Đà Nẵng) được thường xuyên quan tâm thực hiện.

Nhà Trưng bày Hoàng Sa: “Địa chỉ đỏ” giáo dục tình yêu biển đảo, quê hương - Anh 1

 Học sinh đến tham quan, tìm hiểu các tư liệu tại Nhà Trưng bày Hoàng Sa để phục vụ cho việc học tập

Qua đó, nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan tìm hiểu của công chúng về quần đảo Hoàng Sa, nâng cao hiểu biết, tinh thần yêu nước, lòng tự hào và quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc đối với thế hệ trẻ.

Phc chế, chnh lý nhiu hin vt, tư liu có giá tr quan trng

Chị Huỳnh Thị Kim Lập, Tổ trưởng bộ phận Nghiệp vụ Nhà Trưng bày Hoàng Sa cho biết: Những tư liệu, hiện vật được phục chế, bổ sung trong mỗi giai đoạn đều mang giá trị lịch sử lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với công tác tuyên truyền hiện nay. Hoạt động trưng bày, chỉnh lý các hiện vật mang tính lịch sử cũng yêu cầu khắt khe về tính chính xác, tỉ mỉ, đảm bảo nội dung lịch sử, tính khoa học của các hiện vật, tài liệu được trưng bày. Trong thời gian dài tạm dừng các hoạt động tham quan, nghiên cứu do dịch bệnh Covid-19, công tác chỉnh lý, bổ sung vẫn được chú trọng, nhằm hoàn thiện không gian lịch sử phong phú, tạo sức hấp dẫn đối với du khách trong tương lai.

Năm 2021, Nhà Trưng bày Hoàng Sa tổ chức chỉnh lý hơn 40 tư liệu, hiện vật trên diện tích trưng bày 138m2, thể hiện 5 chủ đề: Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên trên quần đảo Hoàng Sa; Hoàng Sa trong thư tịch cổ Việt Nam trước thời nhà Nguyễn; Hoàng Sa trong thư tịch cổ Việt Nam ở thời nhà Nguyễn (1802-1945); Bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa (1945-1974); Bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa từ năm 1974 đến nay. Tất cả gồm 62 tư liệu, hiện vật; 19 bản đồ; 8 ảnh; 2 hiện vật phục chế; 1 bản chú thích; 4 tủ trưng bày.

Trước đó, trong năm 2020, Nhà Trưng bày Hoàng Sa đã triển khai công tác chỉnh lý, bổ sung không gian trưng bày 2 chủ đề: Hoàng Sa trong thư tịch cổ Việt Nam trước thời Nguyễn; Hoàng Sa trong thư tịch cổ Việt Nam thời Nguyễn. Tổng cộng có 48 tư liệu, hiện vật; 4 bản đồ; 16 ảnh; 3 tài liệu, hiện vật phục chế; 3 bài giới thiệu; 7 bản chú thích trên diện tích đai trưng bày 134m2. Các tư liệu, hiện vật, hình ảnh được trưng bày phù hợp với không gian, nâng cao cảm quan mỹ thuật, kết hợp sử dụng đèn led trên đai trưng bày tạo hiệu ứng thẩm mỹ, tăng tính hấp dẫn... Đặc biệt, việc phục chế các hiện vật như cột mốc chủ quyền, ngọn hải đăng đã tạo tính trực quan sinh động đối với du khách.

Không chỉ hiện vật, các hình ảnh cũng là bằng chứng lịch sử sinh động, đi vào lòng người, như không gian trưng bày ảnh về Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa: Miếu Âm Linh Tự (Đội 5, thôn Tây, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi); Di tích tưởng niệm lính Hoàng Sa hy sinh khi làm nhiệm vụ khai thác, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong lịch sử; Thuyền câu và những hình nhân thế mạng được mô phỏng trong nghi lễ Cáo Yết Nghinh Thần; Lễ thả thuyền nan, hình nhân thế mạng và thổi ốc u tưởng nhớ những hùng binh Hoàng Sa trong Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa (làng An Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi); Bài vị thờ các hùng binh Hoàng Sa trong Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa (huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi); Các bậc cao niên, họ tộc trên đảo Lý Sơn đọc văn tế tưởng nhớ công lao của các bậc tiền nhân, các hùng binh Hoàng Sa trong Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa (huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi)…

Hình ảnh Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa xuất phát từ thực tiễn mất mát hy sinh của nhiều lớp người đi làm nhiệm vụ tại 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, từ đó hình thành một nghi lễ cúng cầu an để mong cho người đi được bình an trở về quê hương, bản quán. Lễ này cũng phản ánh lịch sử bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên vùng Biển Đông, đặc biệt là chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Năm 2013, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Sưu tm nhng bng chng lch s t nhiu ngun

Ngày 28.3.2018, Nhà trưng bày Hoàng Sa (trực thuộc UBND huyện Hoàng Sa) khánh thành và đi vào hoạt động đón khách. Hiện tại, đơn vị đang trưng bày hơn 400 tư liệu, hiện vật, bao gồm 1.791 đầu sách, báo, tạp chí liên quan đến biển, đảo Việt Nam. Trong năm 2021, Nhà Trưng bày Hoàng Sa tiếp nhận 847 đầu sách, tạp chí, xuất bản phẩm từ nguồn sưu tầm và chuyển tặng; 64 mẫu cua hóa thạch; thực hiện in ấn bản dịch, lưu trữ hồ sơ đối với sắc, bằng Thủy quân triều Nguyễn. Nhà Trưng bày đang tiến hành rà soát, thống kê và đánh giá thực trạng file dữ liệu số: Tư liệu về Hoàng Sa lưu trữ tại Pháp; tư liệu liên quan đến quần đảo Hoàng Sa giai đoạn 1884-1954 và thực hiện công tác phân loại và đánh mã số kiểm kê cho 253 đầu sách với 763 quyển. Công tác thông tin tuyên truyền về chủ quyền được đẩy mạnh với nhiều hoạt động thiết thực, đến nay đã thu hút hơn 60.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu. Qua các không gian trưng bày, du khách hiểu hơn về quá trình khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa từ thời chúa Nguyễn cho đến thời điểm hiện nay.

Hun đúc quyết tâm xây dựng công trình Thư viện Hoàng Sa và biên soạn Kỷ yếu Hoàng Sa, từ năm 2009, chính quyền huyện Hoàng Sa bắt đầu sưu tầm các hiện vật, tài liệu về Hoàng Sa. Trong quá trình sưu tập, huyện Hoàng Sa đã may mắn nhận được rất nhiều sự đóng góp từ nhân dân trong cả nước và cả những kiều bào xa xứ. Nhiều nhà xuất bản, nhà sách, tác giả đã hiến tặng, đóng góp các kỷ vật vô cùng quý giá là những bài báo, tư liệu viết về Hoàng Sa.

Ông Lê Tiến Công, Phó Giám đốc Nhà Trưng bày Hoàng Sa nhấn mạnh: “Với số lượng hiện vật lớn chứa đựng ý nghĩa lịch sử quan trọng, việc bổ sung, chỉnh lý hiện vật thường xuyên nhằm bảo quản, nâng cao chất lượng trưng bày, thu hút khách tham quan là hết sức cần thiết. Qua đó hình thành địa chỉ cung cấp nguồn tư liệu phong phú, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu của du khách, người dân các tầng lớp, đặc biệt là lứa tuổi học sinh về quá trình khai phá và xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Để từ đó nâng cao thêm lòng yêu quý, sự tự hào và quyết tâm bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa”. 

 NGC HÀ

Ý kiến bạn đọc